Sầu Riêng Đạ Huoai - Trái cây của đất lành
(27-05-2021)Cây Sầu riêng hiện đang là cây ăn trái chủ lực của huyện Đạ Huoai, được trồng trên địa bàn huyện vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước và được mệnh danh là “vua của các loại trái cây” . Cây sầu riêng đã và đang cho thấy những giá trị vượt trội so với những cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ loại cây trồng này. Đây là một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao của ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai. Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện các chương trình chuyển đổi cây trồng, diện tích cây sầu riêng đã tăng mạnh. Tính đến hết năm 2020, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện đạt diện tích sầu riêng toàn huyện Đạ Huoai đạt trên 3.743 ha, trong đó: trên 3.026 ha (chiếm 81,54%) là sầu riêng ghép chất lượng cao, diện tích thu hoạch 2.062 ha, năng suất bình quân đạt 11,97 tấn/ha, với sản lượng cung cấp ra thị trường trên 24.664 tấn. Giá trị sản xuất bình quân 01 ha sầu riêng năm 2019 đạt 407 triệu đồng/ha, điển hình một số hộ thâm canh, ứng dụng công nghệ cao năng suất đạt 25-30 tấn/ha, sau khi trừ chi phí cho thu nhập đạt từ 850 triệu đồng đến 1,15 tỷ/ha. Đến nay trên địa bàn huyện bước đầu hình thành nên các vùng sản xuất tập trung tại các xã như: Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ P’loa, Đạ Oai....
Khi được trồng trên vùng đất của huyện Đạ Huoai do phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu, thổ nhưỡng nên Sầu riêng tại đây nổi tiếng với chất lượng cao, hương vị thơm ngon riêng khác hẳn sầu riêng được trồng tại các khu vực khác trong và ngoài tỉnh. Để xây dựng tạo lập một thương hiệu đặc trưng riêng cho sản phẩm sầu riêng của địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, huyện Đạ Huoai bắt đầu triển khai các thủ tục pháp lý xác lập thương hiệu cho sản phẩm cây ăn trái chủ lực sầu riêng của huyện Đạ Huoai. Ngày 20/6/2016 Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học Công nghệ đã có Quyết định số 36438/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 264471 cho nhãn hiệu chứng nhận Sầu riêng Đạ Huoai.
Hiện nay nhờ đổi mới tư duy, thay thế lối sản xuất cũ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nông dân huyện Đạ Huoai đã có thể cung cấp ra thị trường những sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao được người tiêu dùng trong nước đón nhận, việc xây dựng một thương hiệu cho sản phẩm cây ăn trái chủ lực đặc trưng của huyện Đạ Huoai được xem là sự bảo hộ độc quyền của sản phẩm trong phạm vi cả nước, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để ngành nông nghiệp huyện nhà phát triển.
Đến nay, sau 05 năm triển khai công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu huyện Đạ Huoai đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” đối với 18 Hợp tác xã và Tổ hợp tác với diện tích 471,4 ha của 391 hộ nông dân trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung ở các xã: Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ P’loa, Đoàn Kết, Đạ Tồn, Đạ Oai và thị trấn Đạ M’ri, sản lượng dự kiến trong vụ thu hoạch năm 2021 đạt 5.375 tấn. Sản phẩm sầu riêng được dán tem mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” đã từng bước được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, được bán tại các cửa hàng bán nông sản sạch đồng thời có giá bán cao hơn từ 15-20% so với sản phẩm sầu riêng cùng loại. Một số cơ sơ nông hộ đã mạnh dạn và bước đầu đã thành công trong việc tìm hướng đi mới cho trái sầu riêng như cơ sở Minh Hoàng Khôi, hộ kinh doanh Nông trại Madagui với sản phẩm Sầu riêng đông lạnh đóng hộp có giá bán và thị trường tiêu thụ ổn định.
Trong năm 2019, huyện Đạ Huoai đã hoàn thiện Đề án truy xuất nguồn gốc Sầu riêng Đạ Huoai cung cấp cho các tổ chức, cá nhân 822.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”. Năm 2020 đã cấp 48.200 tem dán trái cho 74 hộ thuộc 07 Tổ hợp tác trồng sầu riêng trên địa bàn các xã ĐạP’loa, Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Oai và thị trấn ĐạM’ri. Từ đó giúp sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” tiếp cận với thị trường người tiêu dùng và tiếp cận với các thị trường xuất khẩu đáp ứng với yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe. Đồng thời giúp người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc sản phẩm và dễ dàng truy xuất thông tin của sản phẩm bằng phần mềm quét mã QR qua ứng dụng Zalo hay phần mềm Agrichek.….
Ngoài ra để nâng cao năng suất chất lượng đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đạ Huoai đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh hỗ trợ một số nông hộ thí điểm canh tác sản phẩm sầu riêng theo tiêu chuẩn Global GAP và xa hơn sẽ là sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn.
(Nguồn: Phòng Kinh tế và Hạ tầng Huyện Đạ Huoai)