Một số nội dung về hóa đơn điện tử
(12-10-2018)Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP “ Quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”, Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.
Hóa đơn điện tử được hiểu là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử (Electronic data invoice), hiểu đơn giản là: Thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ dùng để người bán gửi cho người mua; dùng để minh chứng trước pháp luật được thể hiện bằng dữ liệu điện tử, truyền từ phương tiện điện tử này đến phương tiện điện tử khác, mà không bắt buộc phải thể hiện bằng hóa đơn giấy (paper invoice).
Theo Nghị định nói trên, hóa đơn điện tử có thể có hoặc không có mã của cơ quan Thuế. Mã cơ quan Thuế là dãy số giao dịch và chuỗi ký tự do cơ quan Thuế tạo ra, trên cơ sở thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
Các loại hóa đơn điện tử bao gồm: Hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng và các loại hóa đơn khác (Tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, các chứng từ điện tử có tên gọi khác v.v...)
Nguyên tắc lập hóa đơn điện tử là người bán phải lập hóa đơn giao cho người mua mà không phụ thuộc vào giá trị từng lần bán hàng. Hóa đơn điện tử phải có chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán. Có thể có hoặc không có chữ ký số, chữ ký điện tử của người mua. Riêng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế, không bắt buộc phải có chữ ký số của người bán. Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm giao dịch đã hoàn thành, đã chuyển quyền sở hữu hàng hóa hoặc đã cung cấp xong dịch vụ mà không phụ thuộc vào việc người bán hàng hóa, hoặc người cung cấp dịch vụ đã thu được tiền hay chưa.
Hóa đơn điện tử (hợp pháp) được chuyển đổi thành chứng từ giấy, trong trường hợp này chứng từ giấy chỉ có giá trị để lưu giữ, để ghi sổ, để theo dõi quy định pháp luật về kế toán; theo dõi quy định pháp luật về giao dịch điện tử mà “không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán” trừ: hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (quy định cụ thể cho từng loại có mã và không có mã của cơ quan Thuế). Quy định về xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử. Tra cứu, cung cấp thông tin về sử dụng hóa đơn điện tử. Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử v.v...
Tóm lại: Việc cho phép sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch thanh toán khi mua bán hàng hóa dịch vụ và để thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, là một quy định pháp luật mới, phù hợp với xu thế chung của nền thương mại hiện đại.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, các cơ quan quản lý cần phổ biến sâu rộng quy định này đến tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và công chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan để tổ chức thực hiện tốt Nghị định này.
Tác giả bài viết: Nguyễn Trường Giang- Đội QLTT số 2